Nhiều người cho rằng nên giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh bởi một số hiệu trưởng đang "mượn tay" ban đại diện để vận động đại trà phụ huynh đóng góp các khoản "tự nguyện" và dĩ nhiên những trường hợp như vậy đang làm trái với những văn bản hiện hành.
Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo vệ quyền lợi học sinh
Điều 5 Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn nhiệm vụ,ìhaygiảitánbanđạidiệnchamẹhọanh 11 quyền của trưởng ban và các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp như sau: "Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học; chuẩn bị các cuộc họp của ban đại diện cha mẹ học sinh và cuộc họp cha mẹ học sinh, tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của cha mẹ học sinh".
Theo đó, quyền của trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cũng được quy định rõ: "Phân công nhiệm vụ cụ thể cho phó trưởng ban và các thành viên, chủ trì các cuộc họp của ban đại diện cha mẹ học sinh, thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp về hoạt động của cha mẹ học sinh, phản ánh ý kiến của cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục và chất lượng dạy học; cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét, đề nghị tuyên dương, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật đối với học sinh của lớp".
Như vậy, về cơ bản, chức năng của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không phải là đứng ra vận động những khoản tiền mà Bộ GD-ĐT không cho phép. Việc vận động phụ huynh đóng theo kiểu cào bằng lại càng sai, gây ra những bức xúc cho người trong cuộc và phản cảm cho xã hội.
Bên cạnh đó, một số trường học còn có chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh chi tiền quà, tiền "chăm cô" cho giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường càng khiến cho xã hội hoài nghi về ban đại diện cha mẹ học sinh.
Chính vì thế, ban đại diện cha mẹ học sinh phải hiểu luật và phải là những người đại diện cho số đông phụ huynh.
Thực ra, nếu giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh thì dễ vô cùng nhưng giữ được và làm đúng chức năng, phát huy được vai trò thì càng trân quý hơn vì thực tế nhiều trường học đang rất cần sự hỗ trợ từ những bậc cha mẹ học sinh trong nhà trường.
Vấn đề là những người được bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh có đủ dũng khí để lên tiếng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con em mình và nói không với tình trạng lạm thu hay không. Việc một số trường học được báo chí phản ánh đã làm mất đi niềm tin của nhiều phụ huynh trong các lớp học này, nhất là những phụ huynh nghèo khi gánh nặng tiền trường đè lên vai của họ quá lớn.
Không khó để giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh
Giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh không khó, bởi thực tế nhiều phụ huynh rất ngại khi được giới thiệu và bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường học vì họ đang "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Phụ huynh được bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh lớp hay trường đều là những người làm việc không công và đôi lúc rất mất thời gian vào công việc của lớp, của trường.
Dù vậy, thực tế cho thấy, các thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh thường hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và nhà trường rất nhiều, đặc biệt là những khu vực khó khăn ở thời điểm đầu năm học.
Ở những vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các nhà trường thường rất cao. Đầu năm học, nhà trường sẽ phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương đi đến từng nhà học sinh có nguy cơ bỏ học để vận động phụ huynh cho con em mình đến trường.
Thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh thường là người dân địa phương, hàng xóm hay anh em của phụ huynh có con đang có nguy cơ bỏ học nên dễ nói chuyện và thuyết phục hơn thầy cô giáo. Với sự hỗ trợ từ ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều trường hợp học sinh bỏ học đã trở lại trường.
Chưa kể, ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động nhà hảo tâm để giúp đỡ học sinh nghèo từ những chiếc xe đạp, quần áo, cặp sách, đồ dùng học tập… vì trường nào cũng có rất nhiều học sinh khó khăn.
Vì thế, giữ ban đại diện cha mẹ học sinh cũng là một việc làm hữu ích cho học sinh, phụ huynh với điều kiện, ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là "cánh tay nối dài" cho hiệu trưởng, đứng ra vận động những khoản tiền sai quy định như một số trường học đã được báo chí phản ánh thời gian qua.
Tuy nhiên, muốn phát huy được vai trò, trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh, điều đầu tiên là trong buổi họp phụ huynh đầu năm, các lớp mạnh dạn giới thiệu những người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, am hiểu về chính sách giáo dục và có chính kiến rõ ràng. Nếu nhà trường giới thiệu trước, phụ huynh khác có thể lên tiếng hoặc không đồng ý khi biểu quyết.
Thực ra, nếu giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh thì dễ vô cùng nhưng giữ được và làm đúng chức năng, phát huy được vai trò thì càng trân quý hơn vì thực tế nhiều trường học đang rất cần sự hỗ trợ từ những bậc cha mẹ học sinh trong nhà trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm ban giám hiệu nhà trường nếu để xảy ra tình trạng lạm thu trong đơn vị mình quản lý. Suy cho cùng, ở trường hợp này, ban đại diện cha mẹ học sinh một số nhà trường đang bị hiệu trưởng lợi dụng.
Nếu lập lại quy củ, làm đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT thì việc duy trì ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn là điều hữu ích, cần thiết. Bởi lẽ, cho dù trong hoàn cảnh nào, các trường học luôn cần sự phối với hợp với phụ huynh trong nhiều công việc chứ không đơn giản chỉ là vấn đề tiền bạc như một số trường đang làm.